Vừa qua, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc, Hội đồng nghiệm thu Ủy ban Dân tộc đã tổ chức nghiệm thu dự án “Điều tra đánh giá nhu cầu bồi dưỡng hệ Dự bị Đại học phục vụ cho công tác tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Đây là dự án cấp Bộ đầu tiên triển khai khảo sát, đánh giá liên quan đến hệ bồi dưỡng dự bị đại học, dự án đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc giao cho Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương chủ trì thực hiện.
Hội đồng nghiệm thu Dự án có 07 thành viên gồm các ông, bà: GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS.TS. Trần Trung – Giám đốc Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc; ThS. Đinh Thị Kim Phương – Nguyên Hiệu trưởng trường THPT vùng cao Việt Bắc; Bà Bế Thị Hồng Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc; Ông Lý Bình Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ủy ban Dân tộc; TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng, Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc. Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh chủ trì Buổi nghiệm thu.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Dự án “Điều tra đánh giá nhu cầu bồi dưỡng hệ Dự bị Đại học phục vụ cho công tác tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” được thực hiện dựa trên nghiên cứu cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, pháp lý và trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu, thực trạng bồi dưỡng hệ dự bị đại học cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các cơ sở dự bị đại học và các tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, giai đoạn 2017-2022. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thu thập thông tin trên 03 nhóm đối tượng gồm: phụ huynh và học sinh; các tổ chức, cơ sở giáo dục dự bị đại học;các sở, ban, ngành và địa phương liên quan. Đã có 1.451 phiếu thu thập thông tin được xử lý.
Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh chủ trì Buổi nghiệm thu
Tại buổi nghiệm thu, TS. Nguyễn Tuấn Anh – Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, chủ nhiệm đề tài cho biết: Theo kết quả điều tra, các trường dự bị đại học hiện nay đều có năng lực tốt và có nhu cầu cao trong việc bồi dưỡng hệ dự bị đại học, nhất là sau khi tiếp tục được đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất theo QĐ 1719/QĐ-CP. Các địa phương tại địa bàn khảo sát có nhu cầu lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, tuy nhiên chất lượng giáo dục (thông qua tỉ lệ học sinh thi đỗ đại học, đặc biệt là các đại học “tốp” đầu còn thấp) tiếp tục có khoảng cách lớn với mặt bằng chung của cả nước (đặc biệt là tại khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn). Bên cạnh đó, nhu cầu bồi dưỡng dự bị đại học của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở cấp THPT là 94%, học sinh bậc THCS là 90.6%. Dự án cũng đã đưa ra những con số cụ thể dự báo nhu cầu bồi dưỡng hệ dự bị đại học. Từ đó có những kiến nghị và đề xuất với các cấp có thẩm quyền như: (1) Đổi mới quản trị Nhà trường; đổi mới công tác tổ chức, chỉ đạo tuyển sinh, bồi dưỡng, xét chuyển hệ dự bị đại học; Đổi mới năng lực bồi dưỡng của các cơ sở dự bị đại học. (2) Có cơ chế chính sách đặc thù nhằm tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống các trường dự bị bị đại học như: Ban hành Nghị định liên quan đến công tác bồi dưỡng hệ dự bị đại học; Đề xuất mô hình đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ bậc THPT tại các cơ sở giáo dục dự bị đại học; Có cơ chế phối hợp giữa: Địa phương – Các cơ sở giáo dục dự bị đại học – Các cơ sở giáo dục đại học trong việc phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
TS. Nguyễn Tuấn Anh – Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện Dự án
Đánh giá kết quả Dự án, Hội đồng cho rằng: Dự án có sự đầu tư công phu, nghiêm túc, có trách nhiệm, các vấn đề liên quan đến dự án được tổng hợp đầy đủ, phong phú và có những đánh giá cần thiết. Số liệu sử dụng trong báo cáo đảm báo tính đại diện, độ tin cậy, xác thực, đảm bảo tính khoa học, phục vụ cho mục tiêu đề ra. Cấu trúc, nội dung phù hợp, đúng với thuyết minh được duyệt. Các giải pháp đề xuất phù hợp, có khả năng nhân rộng cho các vấn đề khác trong phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số. Đặc biệt, có những vấn đề mới đã được phát hiện, có giá trị thực tiễn trong việc cung cấp thông tin, cơ sở khoa học, phục vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.
Bên cạnh đó, các thành viên trong Hội đồng Nghiệm thu cũng đã chỉ ra một số điểm cần được chỉnh sửa, bổ sung như: Cần làm rõ hơn một số khái niệm, thuật ngữ; phân tích thêm các công trình có số liệu đã điều tra, các vấn đề chưa khảo sát để làm rõ hơn đóng góp của Dự án; Bộ dữ liệu thực trạng kinh tế – xã hội 53 dân tộc thiểu số điều tra năm 2015 và 2019 cũng cần được khai thác; mô tả rõ quá trình xây dựng, chuẩn hóa bộ công cụ điều tra, khảo sát…
GS.TS. Trần Trung – Giám đốc Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc tham gia phản biện Dự án
ThS. Đinh Thị Kim Phương – Nguyên Hiệu trưởng trường THPT vùng cao Việt Bắc đánh giá Dự án
TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng, Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc nhận xét dự án đạt xuất sắc
Ông Lý Bình Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ủy ban Dân tộc nhận xét Dự án
TS. Lê Trọng Tuấn – Nguyên Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương tham dự buổi nghiệm thu
Buổi nghiệm thu có sự tham gia của 13 thành viên thực hiện Dự án
Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu khẳng định: Dự án đã thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, Nhóm thực hiện cần tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng để bổ sung hoàn thiện các nội dung của Dự án.
Tại Buổi nghiệm thu, Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu bỏ phiếu đánh giá xếp loại đạt, trong đó có 02 ý kiến nhận xét dự án đạt xuất sắc.
Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu:
Thùy Dung (Phòng Tổ chức – Hành chính)